Nhận xét Ngô_Thế_Lân

Mặc dù sáng tác của Ngô Thế Lân bị mất mát khá nhiều, nhưng qua những bài thơ văn còn lại, vẫn có thể thấy được ông là một người rất quan tâm đến đời sống của nhân dân và có cái nhìn sâu sắc đối với xã hội lúc bấy giờ.

Như năm Canh Dần (1770), ông đã gửi cho chúa Nguyễn Phúc Thuần bài biểu "Luận tiền tệ", nêu rõ nạn lạm phát và nỗi khổ của dân. Trong một bức thư gửi bạn, ông cũng đã viết: (Tôi)...đêm đọc Hán sử, đến thời vua Hoàn Linh, ngoại thích lộng quyền, nội thân buông ác, bậc danh hiền thì lo yên nhàn, kẻ xử sĩ thì lo ẩn náu, bất giác xếp sách mà thở dài...[5] Buồn vì không được chúa nghe theo, vì bất lực trước cảnh vô phương cứu vãn ấy, ông không ra làm quan mà chọn con đường ở ẩn.

Nhìn chung, qua thơ, người ta thấy Ngô Thế Lân là một con người có chí lớn có tấm lòng ưu ái đối với cảnh vật thiên nhiên (như các bài: Tự thuật [Thuật chuyện mình], Vu Lai ổ [Xóm Vu Lai], Dã tọa [Ngồi ngoài cánh đồng], Lạc Phố triêu canh [Buổi mai, cày ở Lạc Phố], Sa Phố vãn hành [Buổi chiều đi qua bến cát]…), có tình cảm sâu đậm đối với tầng lớp dân nghèo (như các bài: Vịnh hoài [Tỏ nỗi nhớ], Trư điểu đề [Tiếng chim lợn kêu], Hữu cảm [Có cảm xúc]…) và mang nặng phong vị Thiền tông (như các bài: Thư hoài [Thơ tâm sự], Hiểu khởi [Dậy sớm], Sơn cư tức sự [Tức cảnh chỗ ở trên núi]…).

Về quan niệm sáng tác, theo ông thì làm thơ không phải là một thú vui như một số người xưa, mà là một trách nhiệm của một người có cảm xúc với cuộc đời. Với quan niệm như vậy, nên thơ ông rất phong phú về nội dung và đẹp đẽ về hình thức nghệ thuật.

Đặc điểm thơ Ngô Thế Lân, thường thấy ông dùng hình thức ẩn dụ, ngụ ngôn, để nghiêm khắc lên án giới thống trị, như bài: "Trư điểu đề" (Tiếng chim lợn kê), "Thiệp thế ngâm" (Bài ngâm trải đời). Giải thích cho lối viết này, trong bài đề từ "Phong trúc tập", ông nói (làm thơ) chẳng qua mượn một vật gì đó để giãi bày một ý nghĩ thấm kín mà thôi.

Kết lại, là một trong những nhà thơ mở đầu cho trào lưu nhân đạo chủ nghĩa, Ngô Thế Lân đã dùng thơ của mình để tố cáo chế độ phong kiến thối nát, để phơi bày toàn cảnh cái xã hội tăm tối của một thời; nhưng nó cũng là những dòng suối làm mát lòng bao kiếp người đói cơm rách áo. Bởi các giá trị này, mà Phong trúc tập của ông, được Phan Huy Chú khen rằng: Thơ trong tập này đều êm ái, tao nhã, có tình tứ[6], và cũng được Lê Quý Đôn khen rằng thơ ông thanh nhã và mang nhiều tình tứ sâu sắc[7].